Làm nhà để ở – là đầu tư hay tiêu sản?
Sẽ tương đối khó tìm ra một câu trả lời thống nhất. Mỗi người sẽ có một quan điểm riêng. Nhưng cách mà bạn trả lời câu hỏi này, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các quyết định đưa ra trong quá trình xây nhà sau này.
Nếu bạn đang chuẩn bị xây nhà, hoặc có dự định làm điều đó trong tương lai. Nhưng bạn đang lờ mờ nhận ra rằng, mình sắp bước chân vào một hành trình mà chẳng có chút hiểu biết gì về nó. Thì xin chúc mừng, trong bài bài viết này, KTS. Phạm Thanh Tùng sẽ mang đến những lời khuyên quan trọng. Chắc chắn nó sẽ thay đổi hoàn toàn hiệu quả đầu tư của bạn cho công trình sắp tới.
Xây nhà để ở là tiêu sản.
Tiêu sản là những thứ dùng tiền để mua và sở hữu. Nhưng sau khi sở hữu, chúng bắt đầu mất giá trị. Thậm chí bạn còn phải chi thêm tiền để nó hoạt động.
Nếu dựa vào khái niệm trên để đánh giá, rõ ràng xây một ngôi nhà để ở là tiêu sản. Vì giá trị của ngôi nhà chắc chắn sẽ giảm dần theo thời gian, bạn luôn phải đóng tiền điện, tiền nước, luôn phải bảo trì và sửa chữa ngôi nhà sau một thời gian sử dụng.
Vẫn có nhiều người xây nhà để đầu tư kinh doanh. Có một hình thức đầu tư bất động sản phổ biến tại thị trường Hà Nội đó là. Nhà đầu tư mua một mảnh đất khoảng 120m² ở trong ngõ. Để 15-20m² làm lối đi chung. Phần còn lại chia thành 3 lô đất có diện tích từ 30-35m². Với kinh nghiệm xử lý về giấy tờ, đất đai và xây dựng, nhà đầu tư sẽ xây 3 ngôi nhà rồi bán lại. Giá trị bán ra lớn hơn chi phí mua mảnh đất ban đầu + Chi phí vốn + Chi phí xây dựng và các chi phí khác. Với cách này, việc xây dựng một ngôi nhà trở thành hoạt động đầu tư.
Ví dụ khác: Bạn mua một ô đất trong dự án với giá 100 đồng, xây một ngôi nhà để ở với giá 100 đồng. 2 năm sau có người hỏi mua ngôi nhà đó với giá 400 đồng. Như vậy có phải bạn đã đầu tư và có lãi hay không? Thực tế là không, vì cầm 400 đồng bán ra trong tay, bạn không thể mua lại mảnh đất và ngôi nhà tương tự nữa. Vì giá trị của khu đất 100 đồng đã tăng thành 350 đồng. Còn giá trị của ngôi nhà đã giảm từ 100 đồng về 50 đồng.
Nhưng thực tế, chúng ta không thể loại bỏ tiêu sản ra khỏi cuộc sống. Vì chỗ ăn chốn ở là nhu cầu thiết yếu để một gia đình tồn tại trong xã hội hiện nay.
Xây nhà để ở cũng là đầu tư.
Ở một góc nhìn khác, bản thân chúng ta cũng là một cỗ máy kiếm tiền. Bằng cách sử dụng sức khỏe và kiến thức, chúng ta lao động để tạo ra tiền. Việc xây một ngôi nhà lúc này sẽ là khoản đầu tư toàn diện cho Thân – Tâm – Trí. Giúp con người có thêm động lực để làm việc.
Ngôi nhà giúp chăm sóc tái tạo sức lao động
Mỗi ngày chúng ta lao động khoảng 8 tiếng. Thời gian còn lại chúng ta cần nghỉ ngơi, giao tiếp, chăm sóc bản thân và gia đình – tái tạo lại năng lượng cho ngày làm việc tiếp theo.
Một ngôi nhà thông thoáng, sáng, đẹp sẽ giúp khoảng thời gian nghỉ ngơi của chủ nhà đạt hiệu quả tốt nhất, đặc biệt là giấc ngủ.
Tôi đã cải tạo rất nhiều căn nhà mà không gian phòng ngủ luôn ở trong tình trạng tối, ẩm, không khí vừa bước vào phòng đã cảm thấy bí bách, rõ mùi cơ thể. Thiếu không khí trong lành khiến cho người ngủ không yên giấc, thường phải trở mình, tư thế ngủ bất thường khiến cho buổi sáng thức giấc cơ thể mệt mỏi, đau cổ, mỏi vai… Ngôi nhà như vậy rõ ràng là một khoản đầu tư kém hiệu quả.
An cư – lạc nghiệp
Có một nơi ở ổn định sẽ giúp mỗi người giảm bớt những lo lắng, áp lực. Từ đó có được sự bình an, sáng tạo trong công việc. Có được hậu phương vững chắc thì sự nghiệp cũng sẽ từng bước phát triển.
Cột mốc thành tựu của mỗi cá nhân
Ngôi nhà là phần thưởng xứng đang cho khoảng thời gian dài làm việc chăm chỉ. Có một ngôi nhà riêng là cột mốc thành tựu lớn trong cuộc đời mỗi người, tạo động lực để tiếp tục làm tốt hơn nữa công việc hiện tại.
Thay đổi tầm nhìn – Hãy tiêu sản dưới góc nhìn của một nhà đầu tư.
Các bạn còn nhớ, trong bài viết Phân Loại Nhà Ở Từ 1 Sao Đến 5 Sao tôi có viết: Chủ đầu tư xây ngôi nhà 1 sao sẽ nghĩ Xây nhà là việc buộc phải làm vì nhà ở hiện tại đã xuống cấp và chật chội. Chỉ cần có ngôi nhà mới kiên cố và rộng hơn tình trạng hiện tại là tốt rồi.
Vì tài chính eo hẹp nên chủ nhà ở 1 sao sẽ không muốn chi trả tiền cho thiết kế. Điều này vô tình khiến hiệu quả đầu tư lại càng thấp. Tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Cùng xem xét ví dụ:
Chủ nhà A có 100 đồng, A muốn dành hết số tiền đó cho việc xây dựng. Nhưng thiếu định hướng tổng thể nên ngôi nhà A xây không tránh khỏi những thiếu sót và bất cập. Xây xong A có được một ngôi nhà mới, dù còn một vài chỗ chưa hợp lý nhưng với số tiền 100 đồng làm được như vậy là tốt rồi – A tự nhủ.
Chủ nhà B có 100 đồng, B chi 6 đồng cho thiết kế. Ngôi nhà của B được tính toán chi tiết, tài chính được cân đối để phân bổ phù hợp, nhiều trang thiết bị nếu chưa đủ tài chính có thể chờ để lắp đặt trong tương lai. Xây dựng xong B có nhà mới ưng ý, những gì còn thiếu ngôi nhà có thể được nâng cấp dần trong tương lai.
Cả A và B cùng có 100 đồng. Cuối cùng cả A và B đều phải chi ra số tiền như nhau. Nhưng ngôi nhà của B được thiết kế chắc chắn sẽ tốt hơn ngôi nhà của A. Tầm nhìn rộng hơn giúp B nghĩ về những thứ mình sẽ có được, còn A thì nghĩ về những thứ mình sẽ bị mất đi. Thay vì chỉ muốn tiết kiệm từng chút một. B trả tiền để thuê chuyên gia giúp sử dụng 94 đồng còn lại sao cho hiệu quả nhất.
Trong quá trình sử dụng, cả A và B đều phải chi thêm 50tr. Nhưng nhà của A thì phải sửa chữa, chắp vá còn nhà của B thì nâng cấp theo những định hướng từ đầu.
Sau 15 năm A quyết định phá dỡ công trình để xây nhà mới. Công trình của B thì vẫn sử dụng hiệu quả. Như vậy A đã tiêu tốn 10đồng/1 năm cho nhà ở trong khi không có được một ngôi nhà tốt để sử dụng. Nếu ngôi nhà của B tồn tại được 30 năm, B chỉ tiêu tốn 5 đồng/1 năm và luôn có một ngôi nhà tốt để sinh sống.
Ví dụ kể trên chỉ là lý thuyết, với mục đích giúp các bạn so sánh tư duy đầu tư giúp sử dụng tiền hiệu quả hơn như thế nào. Vấn đề không phải là nhiều tiền hay ít tiền mà là cách sử dụng sao cho hiệu quả.
Tập trung vào mục tiêu cuối cùng.
Bài viết này không cố thuyết phục mọi người phải thuê thiết kế khi làm nhà. Thậm chí tôi khuyên các bạn không nên thuê thiết kế, nếu mình không biết họ sẽ làm gì? Sản phẩm của Kiến trúc sư không phải là những bản vẽ đẹp. Sản phẩm của Kiến trúc sư là một ngôi nhà tốt. Lưu ý điều này, bạn không nên mua bản vẽ, hãy mua một ngôi nhà từ KTS.
Chúng ta có thể dùng nhiều cách để đạt được mục tiêu cuối cùng là Có một ngôi nhà đẹp và tối ưu nhất. Dù thuê chuyên gia hay tự mình thực hiện, thì bạn đều cần phải có kiến thức.
SHANCO.VN sẽ tiếp tục chia sẻ với các bạn những kiến thức hữu ích về thiết kế và xây dựng với tinh thần: Chia sẻ và Kết nối, chúng tôi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình, hy vọng có cơ hội được kết nối với những khách hàng có cùng mục tiêu tạo nên những công trình đẹp.