Khi thiết kế kiến trúc tại Việt Nam, Kiến trúc sư chắc chắn sẽ gặp tình huống phải sửa phương án theo yêu cầu của thầy Phong Thủy. Nếu hiểu rõ về Phong Thủy Nhà Ở ngay từ đầu, KTS có thể đưa ra những tư vấn hợp lý, hài hòa và chủ động hơn. Tránh được những xung đột phát sinh trong quá trình thiết kế và xây dựng.
Bài viết này là phần khởi đầu cho một chủ đề dài tập: Phong Thủy trong thiết kế nhà ở dưới góc nhìn của Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng.
Lưu ý! Trong loạt bài viết này, tôi sẽ không cố gắng chứng minh Phong Thủy là đúng hay sai. Tôi cũng không đứng về một bên nào giữa các trường phái. Có một con đường ở giữa, trung lập và thông thái. Chúng ta sẽ đi trên con đường đó.
Bước đầu trong hành trình tìm hiểu Phong Thủy của tôi
Những ngày đầu, tôi đã đọc rất nhiều bài viết về Phong Thủy. Nhưng càng cố gắng đọc, tôi càng thấy mơ hồ, rắc rối. Khi tìm hiểu về Phong Thủy, bạn sẽ gặp rất nhiều thuật ngữ không có trong cuộc sống hàng ngày như Can, Chi, Cung mệnh…
Thời gian sau, tôi tiếp tục tìm đến với các nguồn tài liệu chính thống hơn như các cuốn sách, gặp trực tiếp những người đã nghiên cứu và hiểu biết về Phong Thủy.
Cuối cùng, tôi phải đi đến một kết luận: “Phong Thủy là một phạm trù rộng lớn, khó hiểu và nhuốm màu kỳ bí”.
Ví dụ: Bạn có chấp nhận quan điểm của bài viết này không?
Trong nhà có 4 cây này không thể cho tặng người khác, nếu không dễ tán lộc của chính mình
Quyết tâm tìm hiểu tận cùng về Phong Thủy
Tôi không thể hài lòng với những kết luận dở dang và mơ hồ như trên. Là một KTS hiện đại, tôi không thích sự áp đặt tư tưởng theo kiểu: “Đây là trí tuệ cổ xưa, mình không thể hiểu hết được, buộc phải tin và làm theo”.
Ví dụ một cách làm thường thấy của các thầy Phong Thủy là xem tuổi của người đứng tên làm nhà. Từ đó suy ra người này thuộc Đông Tứ Mệnh hay Tây Tứ Mệnh. Đặt biểu tượng bát trạch vào giữa nhà rồi từ đó xác định các vị trí tốt, xấu.
Tôi sẽ đặt ra các câu hỏi để làm rõ vấn đề này:
– Ai là người đưa ra quy định về Đông Tứ Mệnh và Tây Tứ Mệnh? Tại sao không có Bắc và Nam?
– Tại sao bát quái dùng trong nhà ở lại là Hậu Thiên bát quái? Ai là người thay đổi Tiên thiên bát quái thành Hậu thiên bát quái? Căn cứ vào đâu để thay đổi? Thay đổi trong hoàn cảnh nào? …
Cứ thế tôi lật mở các trang sử, kết nối các sự kiện, tìm những mảnh ghép còn thiếu để giải mã bức tranh tổng thể về Phong Thủy. Thật may, cuối cùng mọi thứ cũng đã trở nên rõ ràng.
Nếu bạn đồng quan điểm với tôi về hướng nghiên cứu này, chúng ta sẽ cùng quay ngược lại thời gian, tìm hiểu từ nguồn gốc xa xưa nhất.
Sự khác biệt của loài người
“con người và các loài động vật khác nhau ở điểm nào?”
Nếu một ngày, bạn nhận được câu hỏi trên và lúng túng vì chưa có sẵn câu trả lời. Thì bây giờ bạn đã có nó. Con người và động vật khác nhau ở khả năng tưởng tượng.
Những con chim tha cành cây về làm tổ, nó làm thế vì bản năng. Bản năng đó đến từ di truyền và ký ức về cái tổ mà nó từng ở trước khi trưởng thành và rời đi. Đến một thời điểm phù hợp, bản năng sẽ mách bảo nó tìm kiếm vật liệu và bắt đầu xây tổ.
Trong đầu con chim hoàn toàn không có tư duy cải tiến, nâng cấp hay làm đẹp. Đơn giản nó chỉ tìm kiếm những thứ mảnh, dài về đan lại với nhau. Nó cứ đan cho tới khi thứ hiện hữu giống một cái tổ.
Sẽ không có cách nào để giải thích cho một con chim hiểu: này anh bạn, nhà phải có nóc!
Nhưng nếu tôi nói với bạn từ khóa “Mái nhà“, chắc chắn trong đầu bạn sẽ hiện ra nhiều hình ảnh. Đó có thể là kiến trúc mái ngói, mái Thái, mái mansard của Pháp… hoặc rõ ràng nhất sẽ là mái nhà nơi tuổi thơ bạn lớn lên.
Sau này, khi tự làm nhà cho mình. Bạn có làm đúng như ngôi nhà trong ký ức hay không? Con chim thì có, nhưng bạn thì chưa chắc, đúng không? Khả năng tưởng tượng giúp chúng ta thiết kế ra những thứ tốt hơn. Tạo ra được những thứ chưa tồn tại trước đây.
Năng lực giúp con người thống trị
Khả năng tưởng tượng cũng khiến con người trở nên tò mò, khao khát khám phá những gì chưa biết.
Không biết có gì phía sau đường chân trời nhỉ? Thế là con người di cư đến khắp các châu lục.
Không biết có gì ở ngoài biển khơi nhỉ? Thế là con người vượt qua đại dương khai phá những vùng đất mới.
Cứ thế, trong suốt hàng trăm nghìn năm tồn tại, loài người luôn để cho trí tưởng tượng vượt xa khỏi tầm nhìn. Rồi lại bị nó thôi thúc đi khám phá sự thật.
Con người luôn cố gắng tìm kiếm câu trả lời
Thực tế không phải vấn đề nào con người cũng tìm được câu trả lời đúng đắn và thông thái.
Ngay cả khoa học hiện đại ngày nay, dù chúng ta có thể nhìn xa hơn vào không gian bằng những ống kính viễn vọng. Nhìn sâu hơn vào thế giới bé nhỏ bằng kính hiển vi. Chúng ta vẫn không thể trả lời được rất nhiều câu hỏi. Luôn có giới hạn trong khoa học, nhưng trí tưởng tượng của con người thì không!
“Ngày xưa khi Bàn Cổ chết, đầu biến thành bốn ngọn núi, hai mắt biến thành mặt trời và Mặt Trăng, mỡ biến thành sông biển, râu tóc biến thành thảo mộc. Thời Tần và Hán, dân gian kể rằng đầu của Bàn Cổ là Đông Nhạc, bụng là Trung Nhạc, tay trái là Nam Nhạc, tay phải là Bắc Nhạc, và hai chân là Tây Nhạc. Các văn nhân ngày xưa kể rằng nước mắt của Bàn Cổ là sông, hơi thở là gió, giọng nói là sấm, đồng tử trong mắt là ánh sáng.”
Con người tưởng tượng ra những vị thần để bù đắp vào những khoảng trống không thể lý giải. Ở góc nhìn hiện đại, đó là những suy diễn có phần ngô nghê. Nhưng chúng ta cần nhớ lại rằng, con người mới chỉ ý thức việc trái đất quay quanh mặt trời cách đây khoảng 500 năm về trước mà thôi – Điều mà bây giờ chúng ta đã coi là sự thật hiển nhiên.
Con người và những nỗi sợ từ thời nguyên thủy
Khả năng tưởng tượng đã giúp con người đi rất xa trên hành trình tiến hóa. Nhưng nó cũng làm con người bị ám ảnh với mong muốn kiểm soát mọi thứ. Đặc biệt là mong muốn kiểm soát số phận của mình. Họ tin có một yếu tố nào đó tác động đến hiện thực và số phận của họ, có thể là năng lượng từ những ngôi sao, có thể là các vị thần, có thể là tác động từ phong thủy…
Khả năng tưởng tượng tạo ra đức tin và cả nỗi sợ. Cũng giống như các vị thần, nỗi sợ được kế thừa qua các thế hệ. Tại sao người Việt Nam tin và làm theo chỉ dẫn của các thầy Phong Thủy? Vì sợ. Họ sợ những gì mình không hiểu rõ. Họ sợ vi phạm vào một nguyên tắc nào đó khiến cho những điều không mong muốn sẽ xảy ra với họ.
“Để cầu thang ở đây thì gia đình anh chị sẽ bất hòa, vợ chồng bỏ nhau”
Bạn có tin vào kết luận ở trên hay không?
Nếu như đó là kết quả tra cứu từ một cuốn sách cổ với rất nhiều hán tự thì sao?
Nếu bạn quyết định không tin vào kết luận ở trên, sau này mỗi lần đi trên cầu thang ở vị trí đó bạn có nghĩ về lời cảnh báo đó không?
Nhỡ đâu hai vợ chồng có xảy ra bất hòa thật thì sao?
Rất nhiều chuyện có thể xảy ra ở tương lai không ai biết được. Nhưng nếu chỉnh sửa thiết kế cầu thang ngay bây giờ để không phải lo lắng nữa thì sao nhỉ?
Đó là cách nỗi sợ được lan truyền, đơn giản vì chúng ta là con người. Chúng ta có khả năng tưởng tượng, chúng ta có những nỗi sợ bản năng và nguyên thủy. Chúng ta sợ những gì chúng ta không hiểu rõ.
Chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện ở phần thứ 2: Người Việt Nam, Tôn giáo và Tín ngưỡng.